Thứ Tư, 11 tháng 11, 2009

Sách về Đạo Phật:"Sư Matthieu và Diễn viên Richard Gere: Bàn về hạnh phúc" _ Phần 4

Richard Gere: Trong cuốn sách của Thầy, Thầy nêu ra các trường hợp của những người đã từng bị khổ luỵ, tuy vậy họ đã đạt được tự do thật sự.

Matthieu Ricard: Một bằng chứng mà Đức Đạt Lai Lạt Ma thường nói với chúng tôi xuất phát từ một nhà sư đã trải qua một thử thách không thể tưởng tượng được ở Tây Tạng. Sau này ông đến Dharamsala ở Ấn Độ để gặp Ngài.

Ngài hỏi, “Có lúc nào Thầy sợ một điều gì không?”. Nhà sư đáp, “Có, tôi sợ một điều, sợ phải căm ghét người đã hành hạ tôi, vì bấy giờ tôi có thể bị huỷ hoại và không sống sót”.

Sự huỷ hoại thực sự không đến từ bên ngoài mà đến từ những độc tố tâm thức. Nếu bạn thoát ly khỏi những độc tố ấy, bạn sẽ có một sự tự do và sức mạnh nội tại tuyệt vời, vốn là những thứ mà bạn luôn luôn liên hệ đến. Chiều sâu ấy tạo cho bạn những nguồn lực để đối phó với những gì xảy đến với bạn. Khi chúng ta có chiều sâu ấy, nó giống như biển cả. Khi ta không có nó, nó giống như những đợt sóng gần bờ: lúc thì bạn lướt lượn, vui vẻ, đắc thắng; lúc thì bạn va vào đá và đau đớn nhiều. Đôi khi biển lặng giống như một tấm gương đẹp đẽ, đôi khi có giông bão, triều dâng.

Đấy là những thăng trầm của cuộc sống – hỷ lạ và khổ đau, khó khăn và thành tựu, những giai đoạn huỷ hoại và xây dựng của đời bạn – nhưng chiều sâu của biển vẫn luôn luôn không thay đổi. Nếu bạn có thể vượt qua khỏi thân phận nô lệ cho tư tưởng của bạn, thì dù cho phải đang ngập sâu trong khổ đau, bạn cũng sẽ có một cơ may tốt hơn nhiều để sống một cuộc đời tươi đẹp. Đấy là trú xứ của hạnh phúc thật sự.

Richard Gere: Một trong những vấn đề lớn nhất mà chúng ta có trong nền văn hoá này là chúng ta không gặp những người đã tự phát triển mình qua loại công việc nhọc nhằn mà Thầy vẫn thường nói đến. Đó là lý do Thầy bị ấn tượng mạnh khi mới gặp các thiền giả Tây Tạng thuộc cấp cao nhất. Thầy đã thấy rằng có một lối sống khác. Khi lớn lên, tôi nhận thấy rằng cái chuẩn để chấp nhận một cá nhân là một con người đã được đặt quá thấp. Chúng ta vẫn luôn thấy điều ấy. Chúng ta cũng thấy nó ở các nhà lãnh đạo. Có bao nhiêu nhà lãnh đạo của chúng ta là những người mà ta ao ước được giống như họ?

Matthieu Ricard: Chúng ta đã nhiều năm đào luyện tâm theo chiều đảo ngược?

Richard Gere: Tuy vậy có thể nâng cái chuẩn ấy lên. Các bậc thầy Tây Tạng thích dạy cho người phương Tây vì họ không mù quáng tin theo, họ có tâm tốt và có nhiều năng lực. Đây có thể là lúc tuyệt vời để chúng ta tiến triển và thay đổi thể cách làm việc của chúng ta. Chúng ta có thể đòi hỏi nhiều hơn ở các nhà lãnh đạo, tham gia nhiều hơn vào các hội đoàn phát triển trí tuệ và từ bi, vốn phải được xem là “tổng sản lượng quốc gia” của chúng ta.

Tây Tạng trước đây đã như vậy rồi, đã có cuộc thử nghiệm để tạo ra một nền văn hoá và xã hội toàn diện nhằm phát sinh trí tuệ và từ bi và các vị Lạt ma cao cả này đã là những nhà lãnh đạo. Người ta có thể ngước nhìn họ và nói. “Nếu tôi luyện tâm tôi có thể được như thế”. Đấy là lý do khiến những người Tây Tạng được trân trọng khi họ đến phương Tây. Người ta nhìn họ và nói, “Chà! Có thể làm được”. Có thể được và kỹ thuật thì có đấy rồi. Các vị thầy này đã chỉ rõ con đường cho chúng ta.

Matthieu Ricard: Rất thực tế. Nếu bạn chịu khó nhìn vào tâm của chính bạn, bạn có thể nhìn thấy tác dụng mà các độc tố tâm thức của bạn đã gây ra cho những người khác. Đó là cách làm của những bậc thầy lớn. Bạn muốn hạnh phúc. Khi bạn ganh tỵ với người khác, bạn không ganh tỵ với những khổ đau của họ; bạn ganh tỵ với hạnh phúc của họ.

Richard Gere: Thầy chấm dứt mỗi chương sách bằng một thiền định đơn giản. Có lẽ chúng ta chấm dứt cuộc nói chuyện này bằng cách nhờ Thầy hướng dẫn cho một buổi thiền.

Matthieu Ricard: Vâng. Vì không có gì tự nhiên bằng hơi thở, chúng ta có thể nối kết một thiền quán về từ bi với hơi thở của chúng ta. Bạn hãy tự bảo, “Mong sao hết thảy chúng sinh đều thoát khổ. Mong sao nỗi khổ của tôi thay thế cho nỗi khổ của mọi chúng sinh”.

Khi bạn thở vào, hãy tập hợp khổ đau của mọi người và thâu nó vào cho chính bạn. Đừng để nó trở thành một gánh nặng không cần thiết. Hãy hoà tan nó trong tim bạn trong một khối ánh sáng rực rỡ.

Khi bạn thở ra hãy nói, “Mong sao tất cả hạnh phúc mà tôi đã trải qua, tất cả những việc làm tích cực mà tôi đã thực hiện được hiến dâng cho mọi chúng sinh”.

Hãy cứ lặng đi lặng lại như thế. Hãy để cho sự nhận lấy khổ đau của mọi người giải phóng bạn. Bằng cách thay đổi thái độ của bạn, bạn sẽ dần dần thay đổi hoàn cảnh quanh bạn. Không những bạn đạt được sự tịnh lạc, lòng từ bi của bạn còn tăng trưởng khi bạn tương tác với những người khác.

Nếu chúng ta cứ làm đi làm lại như thế, nó sẽ trở thành cái bản chất thứ hai và chúng ta sẽ khám phá ra một thể cách hoàn toàn mới để hiện hữu cùng với những người khác. [Yên lặng lâu để thiền định].

Richard Gere: Thế thì tuyệt vời quá! Tôi không biết làm cách nào để theo. Chắc chắn tôi đã thực sự thích thú được ở đây cùng tất cả quý vị. Tôi sẽ suy nghĩ nhiều về điều này. Giờ đây lòng tôi cảm thấy rất rộng mở và ấm áp. Xin cám ơn.
Matthieu Ricard: Xin cám ơn nhiều vì lòng tốt của bạn.

Theo: Văn hóa Phật giáo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét