Tôi trình lại vấn đề trên cho Ngài và Ngài bảo, “Đấy là lỗi của Thầy. Thầy đã dịch không đúng” [Cử toạ cười ồ]. Dĩ nhiên chúng ta đều có một cái ngã, hiển nhiên như vậy. Có cái dòng năng động của kinh nghiệm và tâm thức, và chúng ta có thể gán tên cho nó theo cách giống như chúng ta gán tên cho sông Missisipi hay sông Ganges, vì cả hai là những dòng nước khác nhau trong những vùng đất khác nhau, và tên gọi của chúng có thể được dùng để phân biệt chúng.
Nhưng chẳng có anh chàng nào thò đầu ra khỏi dòng sông mà bảo, “Tôi là sông Ganges”. Cái ý niệm rằng ta phải có một cái tôi cá biệt mạnh mẽ là một ý niệm đưa đến khổ đau.
Richard Gere: Không phải đâu. Đấy là nói dối. Đấy là hư nguỵ.
Matthieu Ricard: Đấy là một kẻ mạo danh. Cũng giống như ai đó cứ dùng thẻ tín dụng của bạn suốt từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nếu có một thực thể riêng biệt được gọi là ngã thì để loại bỏ nó sẽ giống như lấy trái tim ra khỏi lồng ngực của bạn.
Nhưng hình như khi chúng ta đơn giản đặt một cái tên cho cái dòng chảy năng động không ngừng nghỉ của kinh nghiệm, thì bấy giờ bằng một cách nào đó, chúng ta muốn có một vị thần để bảo vệ nó, để làm hài lòng nó. Điều ấy đưa đến khổ nhọc khôn cùng.
Richard Gere: Vậy thì cái thực thể thực hành thiền định là cái gì? Vị thiền giả này là ai?
Matthieu Ricard: Chúng ta có thể phân biệt nhiều tầng bậc khác nhau trong ý niệm về ngã. Có cái “tôi” như trong những câu nói “Tôi đang sống. Tôi lạnh, tôi đang giận, tôi thức dậy vào buổi sáng, tôi đang ở đây”. Cái tôi ấy là tạm bợ, là phản ảnh của những điều kiện, của những gì chúng ta đã trải nghiệm cho đến bây giờ mà chúng ta có thể liên hệ với kinh nghiệm hiện tại. Thế là tốt.
Cái gọi là “ngã” gần một cái nhãn hiệu lên cái “Tôi là người này, tôi biết tôi đã thay đổi từ bé đến giờ – thân thể tôi đã già đi và trí óc tôi đã trải nghiệm sự thay đổi – nhưng dứt khoát có một cái “tôi” đã phải kinh qua suốt con đường ấy. Đó là tôi. Nếu không thì chẳng còn ai nữa cả”. Chúng ta bắt đầu gắn kết cho cái thực thể riêng biệt này một tầm quan trọng quá đáng, nó không còn được xem chỉ là một dòng chảy của kinh nghiệm năng động nữa. Đấy là nơi chúng ta vướng khổ nhọc.
Có một dòng sông nhưng không có con thuyền nào. Nếu tâm thức của bạn tạo ra một con thuyền, rồi bạn khởi sự dong ruổi trên con thuyền đó thì điều này sẽ gây hại cho cái hạnh phúc tổng quát của bạn. Sự hấp dẫn, đam mê, kiêu ngạo, ganh tỵ – những tình cảm độc hại này xuất phát từ niềm tin vào một thực thể độc lập và thường hằng.
Richard Gere: Chính niềm tin này, sự si muội căn để nảy sinh ra mọi rắc rối về sau, phải không?
Matthieu Ricard: Vâng, nếu bạn thốt ra một lời thoá mạ trong một hẻm núi, như “mày là một tên khốn nạn”, thì khi nó dội lại, bạn sẽ cảm thấy nực cười… Nhưng nếu người bên cạnh bảo bạn như vậy thì bạn sẽ nói, “Sao anh dám bảo tôi như thế?” vì bạn cảm thấy bạn là mục tiêu.
Nếu bạn đang chợp mắt trong một con thuyền giữa hồ vào một buổi chiều Chủ nhật, và có ai đó va vào thuyền của bạn khiến bạn thức dậy, bạn sẽ nghĩ, “thằng khùng nào đó đã phá vỡ sự bình yên, tĩnh lặng của ta đây?”.
Khi bạn thấy chiếc thuyền trống không và nó chỉ trôi giạt va vào thuyền của bạn thì bạn sẽ bật cười.
Đâu là sự khác biệt? Mới đầu bạn nghĩ bạn là mục tiêu, người trên thuyền kia nhằm vào “tôi”. Khi bạn thấy chiếc thuyền không có ai cả, bạn biết rõ rằng chiếc thuyền không nhằm vào “tôi”. Đâu là sự khác biệt? Cái “tôi”! Thế thôi.
Richard Gere: Một khi ta đã hiểu như thế thì sẽ tốt cả chứ?
Matthieu Ricard: Đấy, nếu bạn muốn đánh thức trí tuệ thì cần phải có thời gian. Mọi người đều muốn nhanh chóng và dễ dàng.
Richard Gere: Và càng rẻ càng tốt! [Cử toạ cười ồ]. Thầy có kể một câu chuyện đã gây cho tôi một ấn tượng mạnh mẽ. Ở Los Angeles, Đức Đạt Lai Lạt Ma đang thuyết giảng cho nhiều ngàn người nghe và có một chỗ Ngài dừng lại rồi nói, “Nhiều người hỏi tôi có cách nào nhanh nhất để đạt chứng ngộ và điều họ thực sự muốn biết là cách nào rẻ tiền nhất”.
Thế rồi Ngài kể câu chuyện như sau về Milarepa, một trong những vị Đại Thánh Tây Tạng, là người đã vượt qua những khó khăn cực độ và đã đạt đến những đỉnh cao của sự chứng ngộ.
Vào cuối đời, ông có một đệ tử tuyệt vời tên là Gampopa, vốn đã là một thiền giả nổi tiếng, đến chuyên học với ông. Khi đã đến lúc Gampopa rời Milarepa và ra đi theo đường riêng của mình như trước, Milarepa nói, “Này con, ta muốn cho con một lời dạy cuối cùng. Con hãy đi với ta”.
Họ bước xuống thung lũng, vào trong rừng và ông ấy nói, “Bây giờ ta sẵn sàng cho con lời dạy cuối cùng đây”. Milarepa quay lại, vén áo lên rồi chỉ vào cái mông của ông, cái mông đã chai cứng do ngồi thiền. Lời dạy cuối cùng là bạn phải làm việc. Nếu không làm gì thì không có sự thay đổi nào cả. Phần mà chính tôi đã làm, bất cứ những gì tôi đã bỏ vào đó, tôi đều đã thâu nhận lại được, chắc chắn là vậy. Đó là một quá trình học hỏi về cái tâm. Quán sát tâm rồi làm gì đó về nó.
Matthieu Ricard: Điều quan trọng nhất của việc luyện tâm và thiền định không phải chỉ để có được sự thư giãn, thoải mái trong vài khoảnh khắc và một ngày dễ chịu hơn.
Richard Gere: Một kỳ nghỉ.
Matthieu Ricard: Ô, tôi đang rất thư giãn. Tôi đang ở bãi biển. Bãi biển thật đẹp. Đấy không phải là điều chủ yếu. Điều chủ yếu là phải thay đổi cái vạch xuất phát mà bạn trở lại sau khi thư giãn. Điều chủ yếu làm cho cái vạch xuất phát ấy yên bình hơn, vị tha hơn và cân bằng hơn về mặt xúc cảm.
Richard Gere: Tự do hơn, được tự tại để làm nhiều hơn trong các lĩnh vực sáng tạo, từ ái, vị tha, tất cả những tình cảm cao thượng mà chúng ta thực sự coi trọng như một nền văn hoá.
Matthieu Ricard: Tự do là một khái niệm bị hiểu lầm nhiều nhất. Tôi đã nghe một cô gái trên đài BBC nói, “Tự do làm làm bất cứ điều gì ta nghĩ đến trong đầu ta”. Đây có thể là cái cách tốt nhất đưa đến khổ luỵ bất tận.
(Còn nữa)
Thứ Tư, 11 tháng 11, 2009
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét