Thứ Tư, 11 tháng 11, 2009

Sách về Đạo Phật:"Sư Matthieu và Diễn viên Richard Gere: Bàn về hạnh phúc" _ Phần 2

Richard Gere: Phải mất bao lâu nữa Thầy mới quyết định qua ở luôn bên Ấn Độ?

Matthieu Ricard: Hồi đó tôi đang làm việc ở Viện Pasteur nhưng tâm trí tôi thì luôn bay qua Darjeeling, vì vậy tôi nghĩ mình nên thay đổi cuộc sống. Khi tôi làm xong bằng tiến sĩ, tôi quyết định quay lại Ấn Độ và ở hẳn bên đó luôn. Đây là thời gian rất phù hợp cho tôi; tôi đã hoàn thành công việc và đã xuất bản một số công trình về khoa học.

Richard Gere: Thầy khiêm tốn đấy thôi. Thực ra Thầy đã bỏ đi lúc đang bắt đầu sự nghiệp tuyệt vời của một nhà khoa học.

Matthieu Ricard: Vâng, người ta hỏi tôi làm sao tôi lại thay đổi một cách hoàn toàn như vậy. Tôi không nghĩ là tôi thay đổi hoàn toàn. Tôi chỉ quyết định đi đến nơi mà tôi nghĩ cuộc sống sẽ được viên mãn hơn. Có một sự liên tục giữa việc nghiên cứu những con vi trùng và việc nghiên cứu cái tâm và cơ chế của hạnh phúc. Tôi nghĩ lúc đó tôi được nhiều lắm chứ. (Mọi người cười).

Richard Gere: Cuối cùng thì Thầy theo làm đệ tử gần gũi và làm phiên dịch cho Dilgo Khyentse Rimpoche. Thầy có thể nói một chút gì về việc này được không?

Matthieu Ricard: Ngài là một trong những đại sư được nhiều người yêu mến nhất trong thế giới Tây Tạng và là thầy của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ngài đã sống ẩn cư trong 30 năm, một điều không phải ai trong chúng ta cũng làm được. Ngài dành phần cuộc đời còn lại của Ngài để phục vụ cho mọi người. Ngài thường dạy cho cả hàng ngàn người cùng lúc. Ngay cả khi dùng cơm trưa Ngài cũng dạy cho 2 hoặc 3 người.

Ngài có tác người cao lớn (1m95) và rất giản dị. Tôi đã ở cùng Ngài trong 20 năm và chưa một lần nào tôi thấy Ngài làm một điều gì tổn thương đến người nào. Ngài có thể rất nghiêm khắc nhưng không hề làm phật lòng ai cả. Một bậc thầy không phải là người điều động từng giây từng phút cuộc sống của bạn mà là người chỉ rõ cho bạn thấy bạn có thể làm được gì.

Richard Gere: Lúc còn nhỏ, Thầy có từng trải qua những lúc gian khổ, hoặc có thời gian quá đau khổ khiến cho Thầy phải tìm con đường đi đến hạnh phúc?

Matthieu Ricard: Kể cũng lạ, một người bạn đã nói với tôi, “Tôi không thể tưởng tượng Thầy lại là người viết cuốn sách về hạnh phúc! Thầy có bao giờ đau khổ gì đâu? [cử toạ cười ồ].

Richard Gere: Đúng vậy.

Matthieu: Sao bạn biết?

Richard Gere: Tôi đã từng đau khổ! Tôi biết thế nào là đau khổ [mọi người cười]. Vậy thì thưa Thầy Mathieu, khi ta nói về hạnh phúc thì vấn đề gì là vấn đề quan trọng?

Matthieu Ricard: Thật ra từ “hạnh phúc” là một từ mơ hồ và giới trí thức người Pháp ghét cái từ đó. Họ thường nói “chúng tôi không quan tâm đến hạnh phúc”.

Ngay cả Goethe cũng nói “ba ngày hạnh phúc liên tục không thay đổi thì không ai chịu nổi” [cử toạ cười].

Đau khổ có cái hay của nó, nó thay đổi hoài – thay đổi màu sắc, hình thù và cường độ. Nhưng sự thật là người ta đã lẫn lộn giữa hạnh phúc đích thực và những cảm giác thích thú.

Khi thích thú, chúng ta nhảy lên, làm động tác này, động tác nọ, rồi chúng ta ngã xuống, mệt nhoài và chán nản. Người ta không bao giờ nghĩ đến hạnh phúc như một cách sống bởi vì người ta chỉ nghĩ đến sự thích thú. Mà sự thích thú thì tuỳ thuộc vào hoàn cảnh. Nó bị điều kiện hoá. Nếu ăn một ly kem thì tuyệt, hai ly thì cũng được, nhưng ăn đến ba ly thì bạn sẽ muốn nôn ra. Sự thích thú là thế đấy.

Richard Gere: Trong cuốn sách mới “Hạnh phúc”, Thầy có nói về những giây phút hạnh phúc đích thực, không phải là thứ “hạnh phúc một-ly-kem” nhưng là những giây phút ta nhớ lại khi ta ngồi một mình – những giây phút ta làm một đứa bé cười, một buổi hoàng hôn đẹp khiến ta ngẩn ngơ, những phút giây khi ý niệm về ngã biến mất, những giây phút thấy được cái sinh lực cơ bản của người khác hay của chính mình với cái tâm hoàn toàn thuần khiết, vô nhiễm.

Matthieu Ricard: Đó là cái nhận thức bẩm sinh của chúng ta. Chúng ta đi trên tuyết, đi dưới bầu trời đầy sao và chao ôi chúng ta cảm thấy thích quá. Không có một xung đột nội tâm nào cả. Khi bạn làm một cử chỉ thân thương với một đứa bé, không có ràng buộc gì cả, không đòi hỏi khen hay thưởng gì cả, bạn cảm thấy được tình yêu thương thuần tuý.

Ở những giây phút như thế này bạn tự hỏi, mình có thể lúc nào cũng như thế này được không? Nhưng khi bạn nổi giận, vì nghĩ rằng mình hoàn toàn đúng, thì ngày hôm sau bạn sẽ hối tiếc.

Rồi dần dần, bạn bắt đầu phân biệt các trạng thái khác nhau của tâm mình, gồm những trạng thái mang lại an vui và những trạng thái mang lại phiền não cho mình và cho người khác. Bạn thắc mắc không biết mình có thể loại bỏ loại trạng thái gây phiền não này để nuôi dưỡng trạng thái tâm an vui không.

Có thể làm như vậy được không? Nếu những độc tố tinh thần mạnh mẽ đó là một phần của bản chất thâm sâu nhất của bạn, có lẽ khi ta huỷ hoại chúng, ta sẽ huỷ hoại luôn cả chính mình. Nhưng nếu chúng chỉ giống như một bức tranh vẽ trên một bề mặt, thì ta có thể thay đổi chúng được. Do đó vấn đề là: Những cảm xúc gây phiền não đó có phải là một phần thực chất của tâm hay không?

Richard Gere: Trong một buổi thảo luận với Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Viện “Tâm thức và Cuộc sống”, chúng tôi đã thảo luận về những lúc mà tâm có thể nhìn sự vật một cách thanh tịnh, không bị ảnh hưởng bởi những lớp ký ức hay quy chiếu gì cả. Đó là một giây phút rất ngắn ngủi và sau đó trí óc tác động vào và đánh giá sự vật theo những điều đã biết. Trí óc thay đổi cái nhìn sự vật sao cho phù hợp với những phạm trù ta đã quen vận dụng, những gì ta đã từng trải nghiệm. Xin Thầy miêu tả những tầng lớp của tâm và sự vận hành của chúng có liên quan như thế nào đến tình cảm và trái tim.

Matthieu Ricard: Thông thường khi ta có một cảm xúc như tức giận chẳng hạn, chúng ta hoàn toàn gắn mình với cái cảm xúc đó. Ta là nỗi tức giận. Nhưng chúng ta tiếp tục thoát khỏi mình và đi đến cái mục tiêu của nỗi tức giận của ta – tức là kẻ đã làm ta nổi giận. Rồi chúng ta bực dọc vì nỗi giận hờn. Bất cứ khi nào ta nhìn thấy hoặc nhớ đến người đó, cơn giận lại nổi lên, không bao giờ chấm dứt.

Thay vì nhìn vào mục tiêu của cơn giận, bạn có thể tách cái tâm mình ra khỏi cơn giận. Bạn có thể nhìn cơn giận như nhìn một ngọn lửa hay một ngọn núi lửa. Bạn nhìn vào nó, quan sát nó như một hiện tượng. Nếu bạn làm như vậy, bạn có thể tách rời nó ra khỏi nguồn nhiên liệu của nó, tức là mục tiêu của cơn giận.

Rồi từ từ cơn giận sẽ tan đi như người ta thường nói như sương mai tan đi khi mặt trời lên. Ta không đè nén cơn giận vào một nơi nào đó như một quả bom hẹn giờ. Ta lờ nó đi, ta không để cho nó nổ. Ta giải quyết nó theo cách làm cho nó vô hiệu.

Có một hình ảnh rất hay trong giáo lý nhà Phật. Tâm của chúng ta giống như bề mặt của tấm gương soi. Tính chất của tấm gương là phản chiếu tất cả mọi hình ảnh – những nét mặt giận dữ, những nét mặt tươi cười, những nét mặt buồn bã hay những nét mặt trầm tư. Nhưng những hình ảnh này không thâm nhập vào trong tấm gương.

Chúng không phải là một phần của tấm gương. Nếu chúng là một phần của tấm gương, chúng sẽ ngăn cản những hình ảnh khác. Nét mặt giận dữ sẽ vẫn nằm lại trong gương và nét mặt tươi cười sẽ không bao giờ hiện lên được. Tương tự như vậy, có một sự tỉnh giác thuần khiết từ đó mọi ý niệm khởi phát.

Nếu quả đúng như vậy thì những cảm xúc gây đau khổ được gắn kết với những nguyên nhân và những điều kiện. Bằng cách luyện tâm, sử dụng đúng thuốc trị, thay thế sự căm ghét bằng lòng yêu thương, thay lòng tham lam bằng tự do nội tâm, bạn có thể thay đổi được cảnh quan của tâm hồn. Đấy là thiền. Thiền là một từ rất xa lạ, nhưng thật sự thiền chỉ có nghĩa là làm quen với một cách hiện hữu, nuôi dưỡng những phẩm chất nội tâm của mình.

Richard Gere: Trên thực tế ai cũng đang thiền cả, theo cái ý nghĩa là chúng ta làm quen với những trạng thái khác nhau của tâm. Phần lớn chúng ta quen với tính vị kỷ, tự ái, giận hờn hay ghen ghét. Chúng ta phải tìm ra một loại thiền quán mới về những phẩm chất cao quý hơn của yêu thương, từ bi, khoan dung, vị tha, thương yêu người khác thay vì chỉ biết thương yêu chính mình. Có lẽ chúng ta phải tìm hiểu cái khái niệm về ngã này. Trong kinh nghiệm tìm hiểu về ngã của Thầy, Thầy đã có khám phá ra điều gì không?

Matthieu Ricard: Có một lần tôi đang làm phiên dịch cho Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Pháp khi Ngài đang nói về khái niệm vô ngã, một khái niệm rất xa lạ đối với thính chúng ở phương Tây. Vào giờ giải lao, có rất nhiều, thật nhiều câu hỏi về chuyện chúng ta sẽ làm gì nếu không còn ngã nữa. Cuộc sống của bạn sẽ vận hành như thế nào? Nhân và quả vận hành ra sao? Làm sao để có được ý thức về trách nhiệm, về luân lý và đạo đức?

(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét