Thứ Tư, 13 tháng 1, 2010

Sách Thái Hà - Gây dựng văn hóa đọc cho thiếu nhi

Không phải ngẫu nhiên mà trong dịp chào mừng ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 năm nay, các NXB, công ty sách, đơn vị phát hành sách đều đồng loạt tổ chức rầm rộ các ngày hội sách dành cho thiếu nhi.

Dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi Đan Mạch đến nay đã xây dựng gần 20 thư viện - CLB đọc sách cho thiếu nhi vùng sâu, vùng xa; dự án One Book/Một cuốn sách cũng nhiều lần trao tặng thư viện sách cho thiếu nhi vùng khó khăn; xây dựng tủ sách trên thư viện online.

Công ty Phát hành Sách TPHCM (Fahasa) thường xuyên tổ chức hội sách thiếu nhi ngoại thành và xe sách lưu động đến các tỉnh, TP... trong dịp hè 2009. Hơn ai hết, những người hoạt động trong lĩnh vực này thấy được sự cần thiết trong việc khơi dậy trong các em niềm đam mê đọc sách, gầy dựng văn hóa đọc ngay từ thế giới tuổi thơ.



Sách cho thiếu nhi: Thừa và thiếu

Nhiều người thuộc các thế hệ trước đã say sưa về những cuốn sách hay và các tác phẩm văn học nổi tiếng. Để có được sách đọc, họ phải tranh nhau, chờ nhau ở những thư viện hoặc trao đổi sách cho nhau. Nhưng hình ảnh ấy hiện không còn nhiều.

Trẻ em hôm nay có quá nhiều phương tiện giải trí khác nên sách đã không còn là lựa chọn đầu tiên và duy nhất. Cuộc chiến giữa văn hóa đọc với văn hóa nghe nhìn không cân sức hiện nay đòi hỏi phải có những nỗ lực rất lớn từ nhiều phía.

Sự khan hiếm của các tác phẩm văn học hay trong nước khiến độc giả nhỏ tuổi tìm đến với sách nước ngoài là điều dễ hiểu. Có rất nhiều bộ sách thể loại kỳ ảo hay truyện tranh đủ mọi đề tài nhưng lại thiếu những cuốn sách thật sự mang giá trị hun đúc, nuôi dưỡng tâm hồn và khát vọng tinh khôi cho tuổi nhỏ.

Công ty Sách Nhã Nam vừa cho ra mắt bộ sách thiếu nhi được chuyển ngữ từ các tác phẩm kinh điển từng ghi dấu ấn thành công của văn học nước ngoài. Đây là một tin đáng phấn khởi cho độc giả nhỏ tuổi trong hè này. Tuy nhiên, việc chú trọng chuyển ngữ các tác phẩm thiếu nhi kinh điển cũng chỉ mới bắt đầu trong vài năm gần đây. Sự thiếu vắng những cuốn sách có thể làm nên một sức sống mãnh liệt, sức lan tỏa rộng và làm cháy bùng ngọn lửa đam mê đọc sách của các em trong thời gian qua vẫn là một thực tế không thể phủ nhận.

Hẳn nhiên, mỗi thể loại đều có một sức hút riêng. Song, để gieo vào nhận thức non nớt của trẻ thơ những bài học, những ấn tượng đẹp và những giá trị cuộc sống thì chính những cuốn sách mang nội dung trong trẻo, ngôn ngữ giàu cảm xúc, nhân vật đẹp và gần gũi mới làm nên sức mạnh âm thầm.

Chưa kể, có những loại sách vô cùng độc hại như truyện ma chỉ khai thác những vấn đề nhạy cảm, nội dung thô tục, từ ngữ không trong sáng. Hay những bộ truyện tranh chứa đầy hình ảnh gợi dục mà những người làm sách đã cố tình phát hành, đầu độc trẻ con chỉ vì lợi nhuận.

Gia đình là tấm gương

Xã hội dành nhiều quan tâm trong việc nâng cao văn hóa đọc cho thiếu nhi, nhưng cái gốc quan trọng vẫn tùy thuộc vào gia đình và nhà trường - những nhân tố có tác động rất lớn đến sự hình thành nhân cách và thói quen đọc sách của các em.

Một nhà giáo dục nói rằng nhu cầu đọc sách đã có sẵn trong mỗi đứa trẻ. Mà sự tác động, ảnh hưởng của gia đình và nhà trường là vô cùng quan trọng. Trẻ em bao giờ cũng thích được nghe kể chuyện. Từ niềm say mê với những câu chuyện đến sự hứng khởi muốn tìm đọc qua những trang sách chỉ là một con đường ngắn. Do vậy, cha mẹ, thầy cô cần thiết phải truyền đạt và thắp lên niềm yêu thích đọc sách đối với trẻ em.

Nói trẻ em không đọc sách cũng không đúng. Bằng chứng là vẫn thấy nhiều đứa trẻ tranh thủ đọc ngay cả khi đang trên đường đến trường. Các quầy sách thiếu nhi tại các nhà sách bao giờ cũng có mặt độc giả nhí. Song, các em đọc theo trí tò mò và kích thích sự tưởng tượng chứ không theo nhận thức về giá trị của sách. Cha mẹ vẫn cần phải có định hướng cho trẻ trong việc chọn sách - bên cạnh sách giải trí vẫn cần mang đến cho trẻ những cuốn sách gieo hạt giống cho tâm hồn.

Đừng quan trọng tủ rượu hơn tủ sách!

Nhà văn Nguyên Ngọc cho biết đến nhiều nước, ông thấy người ta có thể đọc sách ở bất cứ đâu, trong khi VN vẫn chưa tạo được thói quen văn hóa đẹp như thế. Ở Phần Lan có phong tục rất hay: Khi một đứa trẻ sinh ra, bao giờ cũng được gia đình tặng cho một giỏ sách. “Đó thật sự là món quà quý giá. Niềm đam mê đọc sách của mỗi người phải được xây dựng từ nhỏ. Làm thế nào để biến nó thành nhu cầu tự thân, giống như việc mình cần ăn, cần thở vậy.

Cái cần nhất hiện nay để nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm đam mê đọc sách của trẻ nhỏ là tìm cách khôi phục các tủ sách gia đình, chứ không phải sống theo “văn hóa trọc phú” chỉ thích khoe nhau tủ rượu” – nhà văn Nguyên Ngọc nhìn nhận.

Theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nền giáo dục và cách thức giáo dục hiện nay ảnh hưởng rất nhiều đến việc đọc sách của thiếu nhi. Trẻ em đã phải học đến quá tải chương trình, thời gian ngủ còn chưa đủ thì làm sao còn có thời gian đọc sách! Cách thức giảng dạy của giáo viên, tình yêu văn chương của các thầy cô cũng có tác động rất lớn đến việc thắp lên niềm đam mê với sách của trẻ. Ông bức xúc: “Nếu cha mẹ quan trọng tủ rượu hơn tủ sách thì làm sao trách trẻ con không chịu đọc sách?”.

Trong khi đó, ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân Pace, thành viên sáng lập dự án sachhay.com, cho rằng trách nhiệm của người lớn là phải định hướng, phải trao vào tay các em những cuốn sách hay, có giá trị nuôi dưỡng tâm hồn. Theo ông, báo chí, truyền hình dành cho thiếu nhi cũng có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng văn hóa đọc cho các em.

Công ty Cổ phần Sách Thái Hà - ThaiHaBooks
Chuyên sách kinh doanh, sách cho tuổi teen, sách đạo Phật
Thái Hà Books cam kết sách bản quyền 100%
Điện thoại: (84.4) 62426330
Email: info@thaihabooks.com
Yahoo & Skype: Sachthaiha
Blog: http://my.opera.com/sachthaiha

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét